remdaica51 Thành viên
Tổng số bài gửi : 157 A3 Dollars : 368 Số lân được cảm ơn: : 1 Join date : 24/10/2010 Age : 29 Đến từ : Đông Hà - Quảng Trị Mức cảnh báo :
| Tiêu đề: Hector Malot - Không gia đình (Chương 5,6) Mon Dec 06, 2010 10:25 am | |
| Chương 5 Tuyết và chó sói
Lại phải theo gót bước chân chủ tôi đi dọc theo những con đường lớn, dây đàn đeo căng trên chiếc vai đau. Lại phải làm trò ở những nơi công cộng, phải cười phải khóc để mua vui cho "cử tọa đáng kính". Sự chuyển tiếp này khá ngặt nghèo vì bao giờ người ta cũng thường mau quen với sung túc, với hạnh phúc. Tôi có những chán ngán, buồn nản và mệt nhọc chưa từng cảm thấy trước khi được sống cuộc đời của những người sung sướng trên thế gian này trong hai tháng êm đềm vừa qua. Trong những chuyến đi bộ dài dằng dặc như vậy, nhiều lần tôi tụt lại sau để mặc sức nghĩ đến Arthur, đến mẹ nó, đến tàu Thiên Nga, cho tâm tưởng trở về sống với quá khứ. May thay trong nỗi buồn của tôi lại có một niềm an ủi: chủ tôi dịu dàng hơn nhiều, trước.đây chưa từng thấy bao giờ. Về mặt này tính tình cụ có thay đổi lớn, hoặc ít nhất là trong cách đối xử với tôi. Điều này nâng đỡ tôi nhiều, tôi cảm thấy mình không đến nỗi cô đơn trong cuộc đời. Sau khi từ Cette ra đi, rất nhiều ngày chúng tôi không nói tới bà Milligan và thời kỳ tôi sống trên tàu Thiên Nga; nhưng dần dà đề tài này xuất hiện trong những cuộc chuyện trò giữa chúng tôi, bao giờ chủ tôi cũng là người đầu tiên đề cập tới và chẳng mấy chốc không ngày nào tên bà Milligan không được nhắc tới. - Con yêu bà ấy lắm hả? - Cụ Vitalis bảo tôi. - ông hiểu điều đó lắm, bà ấy thật tốt với con. Không phải con chỉ nghĩ đến bà ấy vì lòng biết ơn mà thôi đâu. Rồi cụ thường nói thêm: - Phải như vậy thôi. Lúc đầu tôi không hiểu, nhưng dần dần tôi đi đến tự bảo phải như vậy có nghĩa là phải từ chối lời đề nghị của bà Milligan muốn giữ tôi ở lại với bà. Hẳn đó là điều chủ tôi nghĩ khi nói "Phải như vậy thôi" và hình như trong mấy chữ này có chút gì luyến tiếc. Mỗi lần đến một thành phố nào đó, nơi đầu tiên tôi đi thăm đều là kè sông và cầu, tôi tìm tàu Thiên Nga. Khi nào thấy một con tàu một nửa chìm trong sương mù mờ mịt tôi lại đứng chờ. Nhưng không phải nó. Thỉnh thoảng tôi mạnh dạn hỏi thăm các thủy thủ, tôi mô tả con tàu, nhưng họ không nhìn thấy. Chúng tôi ở Lyon nhiều tuần lễ, khi nào có thời gian cho riêng mình tôi lại ra kè sông Rhône và sông Saône. Nhưng dù cho có tìm hoài tôi cũng chẳng thấy tàu Thiên Nga đâu cả. Đã đến lúc phải dời Lyon để đi Dijon, tôi bắt đầu cảm thấy không còn hy vọng nào gặp lại bà Milligan và Arthur nữa, vì ở Lyon tôi đã nghiên cứu mọi bản đồ nước Pháp tìm được trên giá các quầy bán sách, tôi biết con sông đào chính mà tàu Thiên Nga đi theo để tới sông Loa tách khỏi sông Saône ở Chalon. Chúng tôi tới Chalon rồi lại ra đi mà không gặp tàu Thiên Nga, đành từ bỏ ước mơ. Phải làm điều này tôi không khỏi buồn ghê gớm. Để làm cho nỗi thất vọng của tôi tăng thêm, đúng lúc này thời tiết trở nên rất xấu, mùa đông.đã tới, đi bộ dưới mưa, trong bùn ngày càng khó khăn. Buổi tối khi tới một cái quán tồi tàn hay một vựa thóc, nhoài người ra vì mệt, nước mưa ngấm vào tận áo sơ mi, bùn lấm đến tận chân tơ kẽ tóc, tôi không thể nào đi ngủ với những ý nghĩ tươi vui được. Khi dời Dijon, chúng tôi đi qua dãy đồi Bờ Vàng thì chợt gặp một trận lạnh ẩm làm chúng tôi rét thấu xương, Joli - Coeur còn buồn bực cáu kỉnh hơn cả tôi nữa. Mục đích của chủ tôi là đi đến Paris càng nhanh càng tốt bởi vì chỉ có ở đó chúng tôi mới có cơ hội biểu diễn trong mùa đông. Nhưng vì túi tiền có hạn không đi tàu hỏa được chúng tôi đành đi bộ suốt chặng đường. Cho tới Chation mọi việc vẫn tạm xuôi chiều, nhưng khi dời thành phố này mưa tạnh và gió quay về hướng bắc. Bầu trời kéo đầy mây biểu hiện sắp có tuyết. Tuy nhiên chúng tôi đã tới được một ngôi làng lớn mà không gặp tuyết, nhưng ý chủ tôi là phải đến Troyes cho thật nhanh bởi vì Troyes là một thành phố lớn có thể biểu diễn vài buổi được nếu như vì trời xấu mà phải trú chân tại đó. - Con đi ngủ sớm đi, cụ bảo tôi ngay sau khi chúng tôi ổn định chỗ ở trong quán, mai ta lên đường sớm. Cụ cứ ngồi bên lò sưởi trong bếp để sưởi ấm cho Joli - Coeur suốt ngày đã phải chịu lạnh và không ngừng rên rỉ mặc dù chúng tôi đã cẩn thận bọc nó trong nhiều tấm chăn. Sáng hôm sau tôi dậy sớm. - ở địa vị cụ, chủ quán nói với chủ tôi, tôi sẽ không đi, tuyết xuống đến nơi rồi. - Tôi đang vội, cụ Vitalis đáp, tôi hy vọng đến được Troyes trước khi tuyết rơi. - Không đi nổi ba mươi cây số trong một giờ đâu. Tuy vậy chúng tôi vẫn cứ đi. Cụ Vitalis ôm chặt Joli - Coeur dưới áo vét mong truyền cho nó chút hơi ấm của chính mình, lũ chó chạy trước chúng tôi; ở Dijon chủ tôi đã mua một tấm da cừu bên dưới là len, tôi trùm vào người tấm da cừu đó, gió quất vào mặt làm cho tấm da dính chặt vào người tôi. Mở miệng ra chẳng thú vị gì, chúng tôi cứ nhanh chân lẳng lặng mà đi..Vùng chúng tôi đi qua buồn thảm vô cùng càng làm tăng thêm yên lặng, cố nhìn thật xa trong cái ngày tối trời này người ta cũng chỉ thấy những cánh đồng trơ trụi, những ngọn đồi cằn cỗi và những cánh rừng cháy sém. Gió vẫn thổi từ phía bắc và hơi có xu hướng thổi về phía tây, phía này bầu trời có những đám mây màu đồng hầu như đè nặng lên các ngọn cây. Ngay sau đó một vài nụ tuyết to bằng cánh bướm bay qua trước mắt chúng tôi, nó cứ bay lên lại bay xuống, quay cuồng không chạm xuống đất. Chúng tôi đi chưa được bao xa, tôi cho rằng khó lòng đến được Troyes trước khi tuyết xuống; nhưng tôi chẳng lo lắm, thậm chí còn tự bảo mình tuyết vừa rơi sẽ làm ngừng gió bắc, lạnh sẽ giảm đi. Nhưng tôi chưa hiểu thế nào là một trận bão tuyết mà tôi sẽ học được ngay sau đây. Từ phía tây bắc những đám mây bay lại gần và bầu trời phía đó được chiếu sáng trắng lên; mạn sườn chúng đã mở: đó là tuyết. Một cơn mưa tuyết bao phủ chúng tôi. - Rõ rành rành là chúng ta không đến được Troyes rồi, cụ Vitalis nói, ta phải trú trong căn lều đầu tiên ta gặp thôi. Nói thì dễ đấy nhưng tìm đâu ra nhà? Trước lúc tuyết bao phủ chúng tôi, tôi đã xem xét kỹ cả vùng tới tận nơi xa nhất mà mắt tôi nhìn thấu được, tôi chẳng thấy một ngôi nhà hay bất cứ cái gì chứng tỏ có làng mạc đâu đây. Ngược lại chúng tôi sắp vào một khu rừng thì có. Làm sao trông mong vào một ngôi nhà được? Nhưng có lẽ sau hết thì tuyết sẽ không tiếp tục rơi nữa chăng? Tuyết càng rơi nhiều hơn. Chẳng bao lâu tuyết đã phủ kín những gì cản nó trên mặt đường: những đống đá, đống cỏ bên vệ đường, bụi rậm, bụi cây trong các hố. Dầu vậy chúng tôi vẫn cứ đi, thỉnh thoảng lại quay mặt ra sau để thở. Lũ chó theo gót chúng tôi, đòi hỏi một chỗ ẩn mà chúng tôi không thể đem lại cho chúng được. Chúng tôi tiến lên rất vất vả, không nhìn thấy gì, người ướt sũng, lạnh buốt, và mặc dầu đã ở giữa rừng nhưng chúng tôi chẳng được che chắn tí gì, con đường vẫn phơi ra trước gió..May mắn thay (có phải là may không đây?), cơn gió đang lồng lộn giảm đi một chút nhưng tuyết càng rơi mạnh, tuyết không còn rơi như bụi nữa mà từng mảng cứng, to. Chỉ trong vài phút con đường phủ một lớp tuyết dày. Thỉnh thoảng tôi thấy chủ tôi nhìn sang bên trái tựa như tìm tòi cái gì đó; nhưng ở đó chỉ thấy một khu rừng trống khá rộng. Cụ hy vọng tìm thấy gì ở đây? Bỗng nhiên tôi thấy cụ Vitalis đưa tay về phía trái như để làm tôi chú ý. Tôi hình như nhìn thấy trong khoảng rừng thưa đó một cái lều bằng cành cây phủ đầy tuyết. Phải tìm một con đường đi tới lều. Rất khó. ở chỗ tận cùng của khu rừng trống đó, nơi tiếp cận khu rừng có cây to, tôi có cảm giác cái hố ở chỗ con đường lớn đã được lấp đầy có lẽ có đường đi vào lều. Lý luận như vậy là đúng, chúng tôi giẫm vào hố tuyết mà không bị thụt và chẳng bao lâu chúng tôi tới cái lều. Chỗ trú này đáng giá một ngôi nhà. Lũ chó nhanh chân hơn chúng tôi, hăng hái hơn chúng tôi xông vào đầu tiên, chúng lăn lộn trên mặt đất và sủa lên mừng rỡ. Chúng tôi cũng mãn nguyện không kém chỉ có điều là thể hiện ra khác chúng mà thôi. - ông đã nghĩ ngay là ở quãng rừng thưa này thế nào cũng có lều của người đi đốn củi. Giờ thì mặc sức tuyết rơi. - Vâng, tha hồ cho nó rơi. - Tôi nói với vẻ thách thức. Tôi ra cửa lều giũ áo vét và mũ. Đồ đạc trong lều chỉ có một cái ghế dài bằng đất và vài tảng đá dùng làm chỗ ngồi. Nhưng cái mà trong hoàn cảnh hiện tại còn có giá trị hơn nhiều đối với chúng tôi, đó là năm sáu hòn gạch đặt sẵn trong một góc lều làm bếp. Chúng tôi có thể nhóm lửa. Lửa được nhóm rất nhanh và một ngọn lửa sáng bừng nổ lép bép tươi vui trên cái lò sưởi của chúng tôi. A! Ngọn lửa tuyệt đẹp! Ngọn lửa quý hóa! Dĩ nhiên cháy như vậy làm cho khói tỏa đầy lều nhưng quan trọng gì đối với chúng tôi? Chúng tôi chỉ cần ấm. Trong khi tôi nằm xẹp xuống đất chống hai tay thổi lửa, lũ chó ngồi quanh bếp một cách trang trọng trên hai chân sau, cổ ngỏng lên, phơi chiếc bụng ướt và lạnh ngắt ra trước ngọn lửa..Ngay sau đó Joli - Coeur hé chiếc áo vét của ông chủ ra, thận trọng thò mũi ra ngoài nhìn xem mình đang ở đâu; xem xét chắc chắn rồi nó nhảy phắt xuống đất chiếm chỗ tốt nhất trước ngọn lửa và hơ hai bàn tay run rẩy bé xíu ra trước lửa. Bây giờ chúng tôi đã yên tâm không chết rét nữa, nhưng chưa giải quyết được vấn đề đói. May thay chủ tôi là người thận trọng và đầy kinh nghiệm, buổi sáng lúc tôi còn chưa dậy cụ đã chuẩn bị thức ăn đi đường: một chiếc bánh mì tròn và một miếng phó mát nhỏ, cho nên trông thấy chiếc bánh tất cả chúng tôi đều tỏ ra rất hài lòng. Khẩu phần không nhiều, tôi đã hy vọng nhầm: đáng lẽ ăn cả cái bánh, chủ tôi chỉ cho chúng tôi có một nửa. - ông không thuộc đường, cụ nói để trả lời cho cái nhìn dò hỏi của tôi, ông chưa biết từ đây đến Troyes có cái quán nào không. Hơn nữa ông cũng không biết khu rừng này. ông chỉ biết vùng này rất nhiều rừng. Có lẽ còn xa mới có người ở. Biết đâu ta bị hãm lâu trong cái lều này thì sao. Phải lưu lại thực phẩm. Tuy nhiên dù cho bữa ăn thật đạm bạc chúng tôi cũng vững dạ lên nhiều, chúng tôi đã có chỗ trú, ngọn lửa ngấm dần vào chúng tôi một niềm ấm áp êm ái. Lũ chó đã ngủ và tôi cũng muốn làm như vậy. Tôi không biết đã ngủ trong bao lâu, khi tôi tỉnh dậy tuyết đã ngừng rơi. Tôi nhìn ra ngoài: đống tuyết phủ trước lều đã dày lên nhiều, nếu phải lên đường hẳn tuyết phải ngập đến đầu gối tôi. Trong khi tôi đang đứng ở cửa lều tôi nghe thấy tiếng chủ tôi gọi: - Con muốn lại lên đường chăng? - Cụ bảo tôi. - Cháu không biết, cháu sẽ làm theo lời cụ bảo. - Thế này nhé, ý ông là hẵng ở lại đây, ít nhất ta còn có chỗ trú ẩn, có lửa sưởi. Tôi nghĩ chúng tôi ở lại sẽ không có bánh mì, nhưng tôi giữ ý nghĩ ấy trong bụng. - ông cho là tuyết lại sắp rơi tiếp ngay bây giờ đây, cụ Vitalis nói, ta không thể phơi mình ra trên đường trong khi không biết nhà cửa có gần ta không. Tuyết thế này mà qua đêm dọc đường chắc chẳng êm ả gì, thà ở lại đây còn hơn..Để ăn tối cụ Vitalis chia đều mẩu bánh còn lại làm sáu. Hỡi ôi! Chẳng còn được bao nhiêu, chẳng mấy chốc mà hết nhẵn mặc dầu chúng tôi chia bánh thành từng miếng nhỏ xíu mà ăn để kéo dài bữa cơm! Tuyết tiếp tục rơi, dai dẳng như lúc trước, giờ này sang giờ khác lớp tuyết phủ trên mặt đất cứ dày lên dần dọc theo các cụm chồi. †n cơm xong thì chúng tôi chỉ còn thấy lờ mờ những gì xảy ra bên ngoài túp lều bởi vì vào cái ngày tối tăm này bóng tối tới rất sớm. Đêm rồi mà tuyết vẫn không ngừng rơi. Vì phải qua đêm ở đây nên tốt nhất là chúng tôi đi ngủ sớm, tôi cũng làm như lũ chó, sau khi quấn mình trong tấm da cừu mà tôi đã hong khô lúc ban ngày, tôi nằm dài bên ngọn lửa, đầu gối trên một phiến đá nhẵn dùng làm gối. - Ngủ đi, cụ Vitalis bảo tôi, khi nào muốn ngủ ông sẽ đánh thức cháu dậy, bởi vì một trong hai chúng ta phải thức để duy trì ngọn lửa. Tôi không để nhắc đến hai lần. Khi chủ tôi đánh thức tôi dậy, đêm đã khuya. Tuyết không rơi nữa, lửa vẫn cháy. - Bây giờ đến phiên cháu, cụ Vitalis bảo tôi, chỉ cần cháu thỉnh thoảng cho thêm củi vào bếp. Đến lượt cụ nằm dài trước ngọn lửa, sát vào Joli - Coeur quấn trong một cái chăn và chẳng bao lâu cụ thở đều và to, tôi biết cụ đã ngủ. Thế là tôi đứng dậy, rón rén trên đầu ngón chân đi ra cửa lều để xem bên ngoài thế nào. Tất cả được chôn vùi trong tuyết, nhìn ra thật xa cũng chỉ thấy như một chiếc khăn trải bàn mấp mô đầy một màu trắng xóa. Bầu trời điểm vài ngôi sao lấp lánh nhưng dù chúng có sáng đến mấy chăng nữa chính tuyết mới tạo nên ánh sáng nhợt nhạt chiếu trên quang cảnh này. Trời lại trở lạnh, ở ngoài kia chắc lạnh buốt vì không khí tràn vào lều rét cóng lên được. Chúng tôi thật sung sướng gặp được căn lều này. Nếu không sẽ ra sao ở giữa rừng? Dù đi lại rất khẽ tôi đã làm lũ chó thức giấc, Zerbino theo tôi ra cửa. Nó mau chán, muốn ra ngoài. Tôi lấy tay ra lệnh cho nó vào. Nó vâng lời nhưng cái mũi vẫn hướng ra cửa, tỏ ra là một con chó bướng bỉnh. Cuối cùng tôi tới gần ngọn lửa. Trong một lúc lâu, tôi nhìn những tia lửa bập bùng làm vui. Dần dần, nỗi mệt mỏi làm tôi đờ đẫn. Tôi lại chìm vào giấc ngủ trong khi vẫn tưởng mình đang thức..Bỗng nhiên tôi choàng tỉnh bởi tiếng chó sủa giận dữ. - Cái gì vậy? - Cụ Vitalis cũng thức dậy kêu lên. - Có chuyện gì xảy ra thế? - Cháu không biết. Capi lao ra cửa. Đáp lại tiếng sủa của Capi là hai ba tiếng rú thảm thiết trong đó tôi nhận ra tiếng con Dolce. Những tiếng rú này vang lên từ phía sau lều. Tôi định đi ra, chủ tôi ngăn lại. - Cho thêm củi vào lửa đã. Trong khi tôi theo lời cụ thì cụ lấy ra từ trong bếp một que cời lửa và thổi vào đầu toan cho nó rực lên. Cụ giữ que cời đó trong tay. Đúng lúc chúng tôi định đi ra thì một tiếng tru khủng khiếp vang lên trong yên lặng. - Chó sói rồi! Zerbino và Dolce đâu? Tôi không trả lời được. Có lẽ trong lúc tôi ngủ hai con chó đã ra ngoài. - Cầm lấy một que cời lửa ra cứu chúng đi. Nhưng khi ra đến quãng rừng thưa, chúng tôi chẳng thấy chó cũng chẳng thấy chó sói, chỉ thấy vết chân những con chó in trên tuyết. Chúng tôi cứ đi theo vết chân này, những vết chân đi quanh lều; rồi ở một quãng cách lều khá xa trong bóng tối chúng tôi thấy một vùng tuyết bị chà đạp, như thể những con chó đã lăn lộn trong đó. Cụ Vitalis đã khẳng định nỗi hoảng sợ của tôi. - Chó sói cắp chúng đi rồi. Chủ tôi trở về căn lều, tôi theo sau, mỗi bước lại ngoảnh lại sau và dừng lại nghe ngóng, nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng lạo xạo của tuyết. Trong lều một sự ngạc nhiên đang chờ đợi chúng tôi, những cành cây tôi xếp trên ngọn lửa cháy bùng lên trong khi chúng tôi không có mặt trong lều. Tôi chẳng nhìn thấy Joli - Coeur đâu cả. Tôi gọi nó, đến lượt cụ Vitalis gọi nó, nhưng không thấy nó ra. Chúng tôi cầm một nắm cành cây đang cháy, đi ra tìm vết tích nó. Chúng tôi không tìm thấy dấu vết nào của nó cả. Chúng tôi lại vào lều, xem nó có thu mình sau bó củi nào không. Chúng tôi tìm rất lâu, tôi.trèo cả lên vai cụ Vitalis thám hiểm những cành cây dựng lều, cũng vô ích. Tôi hỏi chủ tôi xem cụ có cho là nó cũng bị chó sói tha đi hay không. - Không, cụ bảo, sói không dám vào lều khi có ánh sáng đâu. Chúng tôi lại bắt đầu đi tìm nhưng cũng như lần đầu không đem lại kết quả gì. - Phải đợi ban ngày ban mặt thôi. - Cụ Vitalis nói. Những ngôi sao tắt đi và trời sáng dần. Ngay khi ánh sáng lạnh ngắt của ban mai khiến chúng tôi nhìn rõ hình thù các bụi cây và các cây to, chúng tôi đi ra ngoài. Cụ Vitalis vũ trang bằng một cái gậy to, tôi cũng vậy. Trong khi chúng tôi mải tìm dấu vết của Joli - Coeur trên mặt đất, Capi bỗng nhìn lên và sủa vang mừng rỡ, điều đó có nghĩa phải tìm ở trên không chứ không phải ở dưới đất. Quả nhiên chúng tôi thấy mặt tuyết phủ mái lều đã bị giẫm lên đây đó cho tới một cành cây lớn rủ xuống mái lều. Mắt chúng tôi dõi theo cành cây này, nó là cành của một cây sồi, thì thấy ở tít trên cao chỗ một chạc cây có một cái bóng thẫm màu thu mình ở đó. Đó là Joli - Coeur và chúng tôi dễ dàng đoán được cái gì đã xảy ra: quá sợ hãi những tiếng rú của chó và chó sói, Joli - Coeur lao lên nóc lều trong khi chúng tôi ra ngoài, rồi từ đó leo tít lên cây sồi cao và cứ ẩn mình trên đó ai gọi cũng không thưa. Con vật bé nhỏ tội nghiệp mong manh ấy hẳn phải lạnh cóng. Chủ tôi nhẹ nhàng gọi nó. Nó leo thoăn thoắt từ cành nọ sang cành kia rồi nhảy phóc xuống vai cụ Vitalis, chui vào trong áo vét của cụ. Tìm được Joli - Coeur kể cũng đã là nhiều, nhưng những con chó vẫn mất dạng. Có lẽ chúng đã bị sói ngoạm đứt cổ rồi tha đến một bụi rậm nào đó để ăn thịt thỏa thích. Tội nghiệp Zerbino, tội nghiệp Dolce. Chúng đã là bạn chúng tôi, là đồng hành của chúng tôi, vui sướng hoạn nạn có nhau, và đối với tôi, trong những ngày buồn bã cô đơn, chúng là những người bạn thân thiết. Mặt trời lấp lánh trên bầu trời không gợn mây và những tia nắng lại được tuyết trắng ngần không tì vết phản chiếu lại, khu rừng lúc này thật rực rỡ. Thỉnh thoảng cụ Vitalis lại thò tay.vào trong chăn sờ Joli - Coeur, nhưng nó không ấm lên chút nào. - Phải tới một làng nào thôi, cụ Vitalis nói, chứ không Joli - Coeur chết mất. Chăn được hơ nóng lên, Joli - Coeur được quấn vào đó rồi đặt vào trong áo vét sát ngực chủ tôi. Chúng tôi chuẩn bị đi. - Đây là một cái quán đã bắt chúng ta trả tiền trọ quá đắt. - Cụ Vitalis nói. Cụ đi đầu, tôi đi đằng sau. Chúng tôi phải gọi Capi, nó cứ đứng ở ngưỡng cửa căn lều, mũi hướng về nơi các bạn nó gặp nạn. Tới đường cái được mười phút thì chúng tôi gặp một cái xe ba gác, người đánh xe cho biết chỉ độ một giờ nữa chúng tôi sẽ tới một ngôi làng. Chân chúng tôi tăng thêm sức mạnh. Cuối cùng, dưới chân một sườn đồi xuất hiện những mái nhà trắng của một ngôi làng. Chúng tôi không hề có thói quen vào những quán hạng nhất, những cái quán mà vẻ sang trọng của chúng hứa hẹn ăn ngon ngủ ngon. Chúng tôi thường dừng lại ở những quán trọ người ta không làm chúng tôi rỗng túi. Nhưng lần này không phải như vậy: cụ Vitalis cứ đi tới một cái quán có treo tấm biển vàng rực. Chủ tôi lấy vẻ "ông chủ" vào thẳng bếp đề nghị chủ quán cho một buồng tốt có sưởi. Lúc đầu chủ quán, một người có bộ dạng chững chạc không thèm nhìn chúng tôi, nhưng dáng dấp oai vệ của chủ tôi đã khiến ông ta phải kính nể, một người hầu gái nhận lệnh dẫn chúng tôi đi. - Con đi nằm đi. - Cụ Vitalis bảo tôi trong khi cô hầu nhóm lò sưởi. Tôi ngạc nhiên đứng yên. - Nhanh lên! - Cụ Vitalis nhắc lại. Tôi đành vâng lời. Trong khi tôi nằm dưới chiếc chăn lông cho ấm lên, cụ Vitalis cứ quay đi quay lại chú Joli -Coeur tội nghiệp như muốn làm cho nó nóng lên. - Cháu nóng chưa? - Sau ít lâu cụ Vitalis hỏi tôi. - Nóng phát ngốt lên rồi ấy ạ. Cụ nhanh chóng đi về phía tôi, đặt Joli -Coeur vào giường tôi và dặn tôi ôm ghì nó vào.ngực. Con vật bé bỏng tội nghiệp sẵn sàng làm tất cả mọi thứ. Nó dán chặt mình vào người tôi im thin thít, người nó nóng hừng hực. Chủ tôi xuống bếp, chẳng mấy chốc cụ bưng lên một bát rượu nóng pha đường. Cụ muốn Joli - Coeur uống vài thìa rượu này nhưng hai hàm răng Joli - Coeur cứ nghiến chặt lại không sao mở ra được. Nó thò một tay ra khỏi giường về phía chúng tôi. Trước khi tôi vào gánh hát, Joli - Coeur đã một lần bị sung huyết phổi, người ta đã một lần trích huyết ở cánh tay nó, lúc này cảm thấy mình lại ốm nó bèn giơ cánh tay ra để người ta lại trích huyết và chữa cho nó khỏi như lần trước. Cụ Vitalis không những xúc động mà còn lo lắng. - Uống chỗ rượu này đi, cụ Vitalis nói, ông đi tìm thầy thuốc. Không đợi cụ ra lệnh hai lần, tôi uống bát rượu rồi nằm vào trong chăn, nhờ thêm cái nóng của rượu nữa tôi tưởng mình chết ngạt. Chủ tôi đi không lâu trở lại ngay đem theo một thầy thuốc. Cụ Vitalis không nói là để thăm cho bệnh nhân nào, cho nên thấy tôi nằm trong giường mặt đỏ như gấc ông thầy thuốc bèn tiến đến phía tôi: - Sung huyết rồi. - ông ta nói. Và ông ta lắc đầu, tỏ ra không có gì là tốt cả. Đã đến lúc làm ông ta tỉnh ngộ. Tôi bèn kéo chăn lên một chút, chỉ vào Joli - Coeur nói: - Bệnh nhân đây cơ ạ. Ông thầy thuốc lùi lại hai bước, quay về phía cụ Vitalis, kêu lên: - Một con khỉ ư! Tôi tưởng ông ta sắp tức giận đi ra. Nhưng chủ tôi là một người khôn khéo. Vừa lễ phép vừa ra vẻ rất đàng hoàng, chủ tôi ngăn ông thầy thuốc lại, giải thích hoàn cảnh cho ông ta. Người ý vốn là những người biết lấy lòng người ta một cách khéo léo, ông thầy thuốc lại từ cửa ra vào đi tới gần giường bệnh. Trong khi chủ tôi giải thích, có lẽ Joli -Coeur đoán được con người đeo kính này là thầy.thuốc, nó giơ cánh tay ra đến mười lần để được trích huyết. - ông xem con khỉ này thông minh như thế nào, nó biết ông là bác sĩ nên đưa tay ra để ông xem mạch đấy. Câu nói đó khiến bác sĩ quyết định khám. - Ca này kể cũng lạ thực đấy. - ông ta nói. Hỡi ôi! Thật buồn cho chúng tôi. Joli -Coeur bị đe dọa sung huyết phổi. Joli - Coeur yêu quý sự chăm sóc của tôi lắm, nó ban cho tôi một nụ cười dịu dàng; cái nhìn của nó giống như cái nhìn của một con người vậy. Do chú ý đến tất cả mọi thứ, chẳng lâu la gì nó nhận xét thấy mỗi lần nó ho tôi lại cho nó một viên đường đại mạch. Một buổi sáng khi đi ăn trưa về, trong khi tôi đang ở bên Joli - Coeur - không bao giờ chúng tôi bỏ nó một mình - tôi biết chủ quán đòi tiền chủ tôi. Chỉ còn có năm mươi xu. Làm thế nào bây giờ? Chỉ có mỗi một cách ra khỏi nỗi khốn đốn này: đó là ngay tối hôm đó tổ chức một buổi biểu diễn. Mà theo tôi chuyện này hầu như không thể làm được. ấy thế nhưng phải bằng bất cứ giá nào chăm sóc Joli - Coeur và cứu sống nó. Trong khi tôi trông người ốm, cụ Vitalis tìm được một phòng biểu diễn ở chợ. Cụ viết và dán mấy tấm áp-phích, bố trí một sân khấu bằng mấy tấm ván và dũng cảm chi năm mươi xu mua nến. Tôi lo lắng tự hỏi chương trình biểu diễn của chúng tôi sẽ gồm những gì. Nhưng ngay sau đó tôi khẳng định được ngay: tay đánh trống trong làng đội một cái mũ kê-pi đỏ choáng lộn dừng lại trước quán và sau một hồi trống rộn rã, đọc lên chương trình biểu diễn này. Không biết mọi người sẽ nghĩ thế nào khi họ biết là cụ Vitalis đã không tiếc những lời hứa hẹn quá đáng về "Capi, con chó thông thái" và "một ca sĩ thần đồng", tức là tôi. Phần đáng chú ý nhất của lời chiêu hàng là ở chỗ người ta không quy định giá chỗ ngồi, mà tùy thuộc lòng độ lượng của khán giả. Việc này theo tôi khá táo bạo. Liệu người ta có vỗ tay chúng tôi hay không? Capi thì nổi tiếng là đúng thôi. Nhưng tôi, tôi không tin tôi là một thần đồng..Đã đến giờ ra chợ: tôi nhóm một ngọn lửa to trong lò sưởi bằng những cây củi lớn để cho nó cháy được lâu; tôi ủ kỹ Joli - Coeur trong chăn - Joli - Coeur khóc nức nở vì không được tham gia biểu diễn. Sau đó chúng tôi ra đi. Chủ tôi giải thích cụ chờ đợi những gì ở tôi. Vì thiếu ba diễn viên nên tôi và Capi sẽ phải đem hết nhiệt tình và tài năng ra làm việc để làm sao thu được bốn mươi phrăng. Cụ Vitalis đã chuẩn bị tất cả, chỉ còn việc thắp nến lên; nhưng chúng tôi chỉ cho phép mình có được cái xa xỉ đó khi mà phòng đã gần đông chứ không thì nến sẽ cháy hết trước khi biểu diễn xong. Trong khi chúng tôi chiếm lĩnh sân khấu, tay đánh trống còn đi một tua cuối cùng quanh làng. Tiếng trống lại gần và ngoài phố có tiếng ồn ào: độ hai chục đứa trẻ đến xem. Vẫn không ngừng đánh trống, tay đánh trống đứng giữa hai chiếc đèn xếp ở ngay cửa vào sân khấu, công chúng chỉ còn việc vào chỗ chờ xem biểu diễn nữa thôi. Tôi xuất hiện đầu tiên, hát hai bài hát họa theo đàn hác-pơ. Thật thà mà nói, vỗ tay không được sôi nổi mấy. Xưa nay tôi chẳng bao giờ có cái tự ái của người kịch sĩ, nhưng lần này sự lạnh nhạt của khán giả làm tôi nản lòng. Rõ ràng là nếu tôi không làm vui lòng họ thì đời nào họ mở túi tiền ra. Đâu có phải vì thanh danh mà tôi hát, tôi hát là vì Joli - Coeur. ối chao! Tôi những muốn làm động lòng công chúng, làm họ phấn khởi lên; nhưng nhìn trong gian phòng đầy những bóng người kỳ lạ này tôi thấy hình như mình chẳng làm họ quan tâm bao nhiêu. Capi may mắn hơn, được khán giả vỗ tay nhiều tràng. Cuộc biểu diễn vẫn tiếp tục, nhờ Capi nó kết thúc trong những tiếng vỗ tay rầm rập. Giờ phút quyết định đã đến. Trong khi tôi nhảy một điệu vũ Tây Ban Nha trên sân khấu có cụ Vitalis họa đàn theo, Capi miệng ngậm chiếc bát gỗ, đi qua tất cả mọi hàng khán giả. Liệu nó có thu được bốn mươi phrăng hay không? Tôi mệt đến đứt hơi nhưng vẫn tiếp tục nhảy bởi vì tôi chỉ có thể dừng khi Capi quay về. Nó không hề vội vã, khi người ta không cho tiền thì nó lấy chân vỗ nhẹ vào cái túi tiền không muốn mở ra..Cuối cùng, nó xuất hiện, tôi định ngừng, nhưng cụ Vitalis ra hiệu cho tôi cứ nhảy tiếp. Tới gần Capi, tôi thấy cái bát gỗ còn vơi, còn phải thêm nhiều. Lúc này cụ Vitalis cũng đánh giá thu nhập xong bèn đứng dậy: - Tôi tin là mình có thể nói một cách không tự khen rằng chúng tôi đã biểu diễn xong chương trình; tuy nhiên vì nến vẫn còn cháy, nếu như khán giả muốn nghe, tôi xin hát một vài khúc: Capi sẽ lại đi thêm vòng nữa, và những ai chưa tìm thấy chỗ mở túi tiền ở đâu trong lần Capi đi qua lúc nãy thì lần này sẽ mở túi tiền khéo léo hơn. Mặc dù cụ Vitalis là giáo sư dạy tôi, tôi chưa bao giờ thấy cụ hát như đã hát buổi tối hôm đó. Tôi nhìn thấy một phu nhân trẻ ngồi ở hàng ghế đầu vỗ tay nhiệt liệt đến hết sức mình. Tôi đã để ý nhận xét bà ta vì đó không phải một bà nông dân mà là một phu nhân thực thụ, bên cạnh bà là một đứa bé cũng vỗ tay tán thưởng Capi rất nhiều, có lẽ nó là con trai bà. Sau khúc rô-man Capi lại đi quyên tiền, tôi ngạc nhiên thấy bà ta không cho gì vào trong bát Capi cả. Khi chủ tôi hát xong khúc Ri-sa, bà ta ra hiệu cho tôi lại gần. - Tôi muốn nói chuyện với chủ cháu. Điều này làm tôi hơi ngạc nhiên. Tuy nhiên tôi cũng truyền đạt ý muốn này tới cụ Vitalis, lúc này Capi đã trở về chỗ chúng tôi. Lần quyên tiền thứ hai này còn được ít hơn lần trước. - Bà ta muốn gì ông? - Cụ Vitalis hỏi. - Muốn nói chuyện với cụ ạ. - ông chẳng có gì nói với bà ta cả. - Bà ấy không cho gì Capi, có lẽ bây giờ muốn cho nó chăng? - Thế thì Capi phải đến chỗ bà ấy, không phải ông. Tuy nhiên cụ quyết định đi nhưng dắt Capi theo. Tôi cũng đi theo họ. Trong lúc đó một người đầy tớ mang một cái đèn lồng và một cái chăn tới đứng bên cạnh bà phu nhân và đứa bé. Cụ Vitalis đến gần và chào. - Xin lỗi đã làm phiền cụ, bà phu nhân nói, nhưng thế nào tôi cũng phải ngợi khen cụ mới xong. Tôi là nhạc sĩ mà, thành thử muốn nói để.cụ hiểu một tài năng lớn như cụ đã làm tôi xúc động đến thế nào. - Nói đến tài năng làm gì ở một ông già như tôi. - Cụ Vitalis đáp. - Xin cụ biết cho là không phải tôi bị thúc đẩy bởi tò mò xoi mói. - Bà phu nhân nói. - Tôi sẵn sàng làm thỏa lòng tò mò của bà thôi, chắc bà ngạc nhiên thấy một người làm trò chó mà lại hát được? - Phải nói là ngạc nhiên đến thán phục. - Có gì đâu, tôi thì không phải lúc nào cũng như thế này, ngày xưa, thời tôi còn trẻ, đã lâu lắm rồi, tôi là... đầy tớ cho một ca sĩ lớn và tôi cứ bắt chước hát đi hát lại một vài điệu, chỉ có thế thôi. Bà phu nhân không trả lời nhưng nhìn cụ Vitalis khá lâu trong khi cụ đứng trước mặt bà ta với một thái độ lúng túng. - Xin chào cụ. - Bà ta nói. Rồi cúi xuống Capi, bà ta đặt vào chiếc bát gỗ một đồng vàng. Tôi cứ tưởng cụ Vitalis sẽ đưa bà ra xe kia đấy, nhưng cụ không làm gì hết. Khi bà ta đã cách xa cụ vài bước, tôi nghe thấy cụ rủa thầm vài lời bằng tiếng ý. - Nhưng bà ta cho Capi cả một đồng lu-i cơ mà cụ. - Tôi nói. - Một đồng lu-i! - Cụ nói, như ra khỏi một giấc mơ. - ừ nhỉ! Phải, tội nghiệp Joli - Coeur, ông đã quên mất nó. Ta đi về với nó đi. Chúng tôi vội vã trở về quán trọ. Tôi lên cầu thang đầu tiên và chạy vào buồng. Lửa chưa tắt, nhưng không bốc lên được thành ngọn nữa. Tôi mau chóng thắp ngay một ngọn nến và tìm Joli - Coeur vì không thấy tiếng nó đâu. Nó nằm trên tấm chăn vẻ như đang ngủ. Tôi cúi xuống nhẹ nhàng cầm lấy tay nó để cho nó khỏi thức giấc. Bàn tay nó lạnh ngắt. Lúc này cụ Vitalis bước vào phòng. Tôi quay mặt về phía cụ. Cụ Vitalis cúi xuống: - ôi thôi! - Cụ nói. - Nó đã chết. Chuyện này ắt phải xảy ra thôi.
Chương 6 Đến Paris
Chúng tôi còn cách xa Paris lắm. Phải lên đường trên những con đường tuyết phủ và đi bộ từ sáng đến chiều ngược với gió bắc quất vào mặt chúng tôi. Những đoạn đường dài này sao mà buồn thảm! Chúng tôi cứ lầm lì tiến tới chẳng trao đổi với nhau lấy một lời, mặt tái ngắt đi vì gió bấc, chân ướt mà dạ dày thì rỗng. Yên lặng làm tôi khổ sở không biết thế nào mà kể; tôi cần nói, cần khuây khỏa; nhưng cụ Vitalis chỉ trả lời bằng vài từ ngắn gọn mỗi khi tôi hỏi câu gì. May thay, Capi được cái dễ thổ lộ tình cảm và thường trong khi đi đường tôi hay cảm thấy một cái lưỡi ẩm và nóng đặt trên bàn tay tôi. Tôi dịu dàng vuốt ve nó. Nó có vẻ cũng sung sướng vì sự thể hiện lòng thương mến của tôi chẳng khác gì tôi sung sướng trước sự thể hiện lòng thương mến của nó. Trái tim của một con chó cũng chẳng kém nhạy cảm hơn trái tim của một đứa trẻ là bao. Chúng tôi cứ đi bộ trên đường cái, thẳng trước mặt mà đi trong giá lạnh và tĩnh mịch của mùa đông, chỉ nghỉ ngơi bằng giấc ngủ ban đêm trong một chuồng ngựa hay một chuồng cừu với một lát bánh mỏng làm bữa ăn tối. Cây số tiếp theo cây số, đoạn đường này tiếp theo đoạn đường kia, chúng tôi dần tới gần Paris, tôi nhận ra điều này không cần đến sự báo trước của những cột mốc cắm bên đường: giao thông ngày càng tấp nập hơn, màu tuyết phủ đường xá bẩn hơn ở vùng đồng bằng Champagne Chúng tôi sẽ làm gì ở Paris, nhất là trong tình cảnh khốn khổ hiện nay? Đó là câu hỏi tôi đặt ra cho mình với nhiều lo lắng và thường chiếm trọn tâm trí tôi trong những buổi đi bộ dài đằng đẵng. Tôi muốn hỏi cụ Vitalis nhưng không dám vì trông cụ rất u ám. Cuối cùng một hôm, theo cái cách cụ nhìn tôi, tôi cảm thấy sắp được biết cái điều đã bao lâu hằng mong mỏi. Đó là vào một buổi sáng, tối hôm trước chúng tôi ngủ trong một cái trại, sáng hôm sau lên đường từ tinh mơ, từ trên đỉnh một sườn đồi.chúng tôi đã thấy trước mặt một đám mây bằng hơi nước màu đen bay trên một thành phố khổng lồ mà người ta chỉ phân biệt được mấy tòa nhà cao vút lên. Paris! Paris! Cuối cùng đã là Paris. Tôi đang cố gắng tự đặt mình vào trong đám lộn xộn nào mái nhà, nào gác chuông, nào tháp đang mất hút sau sương mù và khói thì cụ Vitalis chậm bước lại tới bên cạnh tôi. - Thế là đời chúng ta thay đổi rồi, cụ nói, chỉ bốn tiếng đồng hồ nữa chúng ta sẽ tới Paris. Và... ở Paris chúng ta sẽ chia tay nhau. Tôi đưa mắt nhìn cụ Vitalis. Cụ cũng nhìn tôi, mặt tôi tái đi, môi tôi run lên, thảy đều nói lên cho cụ biết những gì đang diễn ra trong tôi. - Cháu có vẻ lo lắng phải không? - Cụ nói, cũng khổ não như tôi. - Chúng ta chia tay nhau! - Cuối cùng tôi nói khi những giây phút ngạc nhiên đầu tiên đã qua đi. - Thằng bé tội nghiệp! Câu nói này và nhất là giọng nói lên câu nói đó làm nước mắt tôi trào ra: đã lâu quá rồi tôi mới được nghe một câu nói đầy thiện cảm đến thế! - ôi! Cụ là con người tốt quá! - Tôi kêu lên. - Cháu mới là cậu bé tốt, một trái tim tí hon dũng cảm. Cháu thấy đấy, ở đời có những lúc người ta cảm thấy sung sướng khi tìm thấy một người mà ta có thể dựa vào được. ông sung sướng có cháu bên cạnh, thấy cháu nghe ông nói mà mắt nhòa lệ ông nhẹ nhõm hẳn người. Bởi vì ông, chú Rémi bé bỏng của ông ạ, ông cũng rất đau lòng. Chỉ mãi về sau này, khi mà tôi đã có một người để yêu tôi mới cảm nhận và hiểu thấu tất cả sự đúng đắn của câu nói này. - Khổ một nỗi là, cụ Vitalis nói tiếp, bao giờ người ta cũng phải chia tay đúng vào lúc cảm thấy ngược lại tức là muốn gần nhau hơn nữa. - Nhưng, tôi rụt rè nói, chẳng lẽ cụ muốn bỏ cháu ở Paris? - Tất nhiên là không. Tới cuối mùa đông ông để cháu cho một padrone để hắn đưa cháu vào trong đám trẻ cùng chơi đàn hác-pơ. Riêng ông, ông sẽ dạy đàn hác-pơ và đàn vĩ cầm cho bọn trẻ ý làm việc trên đường phố Paris. ở Paris họ biết ông, ông đã ở đây nhiều lần, từ Paris ông mới đến làng cháu đấy. ông chỉ cần yêu cầu được dạy là người ta cho ông dạy nhiều không làm xuể. Mỗi người chúng ta sẽ sống theo một cách riêng. Rồi đồng thời ông cũng lo dạy hai con chó thay thế cho Zerbino và Dolce. ông sẽ dạy chúng gấp, sao cho sang xuân ta lại có thể lên đường, cháu Rémi bé bỏng ạ, và ta sẽ không rời nhau nữa. Lúc này ông đòi hỏi cháu phải dũng cảm và chịu đựng. Sau này mọi việc sẽ khá hơn. Ta lại trở về cuộc sống tự do. ông sẽ đưa cháu sang Đức, sang Anh. Cháu sẽ lớn lên, trí tuệ mở rộng. ông sẽ dạy cháu nhiều điều để cháu trở thành một con người. ông đã cam kết với bà Milligan và ông sẽ giữ lời. Để thực hiện những chuyến du hành đó ông đã bắt đầu dạy cháu tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng ý rồi đấy, đối với một đứa trẻ ở tuổi cháu đó cũng là một cái gì đáng kể, chưa nói đến việc cháu đã mạnh mẽ rắn rỏi lên nhiều. Cháu xem đấy, Rémi bé bỏng của ông ạ, tất cả không phải là lãng phí. Thu xếp như thế này có lẽ là thích hợp cho hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi hơn cả. Bây giờ đây khi nghĩ lại, tôi thấy chủ tôi đã tìm được cách giải quyết tốt nhất để ra khỏi tình thế thật tai hại của chúng tôi. Nhưng những ý nghĩ khi hồi tưởng không giống như ý nghĩ tôi có thoạt đầu. Trong các điều cụ nói tôi chỉ nhìn thấy hai thứ: sự chia ly của chúng tôi và tay chủ mà thôi. Trong những chuyến đi qua các làng mạc và thành phố tôi đã gặp nhiều tay chủ, chúng thuê hoặc kiếm bọn trẻ con từ chỗ này chỗ khác rồi dùng roi vọt mà dẫn bọn trẻ đi. Chúng không giống cụ Vitalis một chút nào ở chỗ đanh ác, bất công, luôn đòi hỏi, say rượu, miệng lúc nào cũng chửi rủa, bàn tay lúc nào cũng giơ cao chực đánh. Tôi có thể rơi vào tay một thằng chủ như thế lắm. Vả lại, ngay cả may mắn gặp chủ tốt thì cũng lại là một thay đổi. Tôi muốn trả lời nhiều điều lắm, những câu nói như dồn lên tim tôi và miệng tôi nhưng tôi cố kìm nén lại. Chủ tôi đã đòi hỏi tôi phải can đảm, phải nhẫn nhục, tôi muốn vâng lời cụ làm cụ khỏi đau khổ thêm. Hơn nữa cụ không còn ở bên tôi nữa và tựa như sợ phải nghe câu trả lời của tôi, cụ đã đi lên trước tôi mấy bước như lúc nãy. Tôi đi theo cụ, không bao lâu chúng tôi tới một con sông, qua một chiếc cầu đầy bùn lầy chưa từng thấy bao giờ; tuyết đen như than giã nhỏ, phủ lên vỉa hè một lớp di động ngập đến mắt cá chân. Đầu cầu có một ngôi làng với những con phố hẹp, sau đó lại tiếp đến vùng quê nhưng những căn nhà ở đây chen chúc nhau rất thảm hại..Trên đường cái xe cộ đi lại không ngừng. Tôi lên gần cụ Vitalis và đi bên phải cụ, Capi theo sát gót đằng sau. Chẳng mấy chốc hết làng quê, chúng tôi đến một phố không nhìn thấy đâu là tận cùng cả, hai bên xa xa là những căn nhà nghèo nàn bẩn thỉu không được đẹp như nhà ở Bordeaux, Toulouse và Lyon. Tuyết được vun vào từng đống và trên những đống tuyết bẩn cứng này người ta đổ tro, rau cỏ thối rữa, đủ các loại rác rưởi, không khí sặc mùi hôi thối, trẻ con chơi trước cửa nhà đứa nào mặt cũng xanh xao, chốc chốc lại thấy những xe chở rất nặng đi qua, trẻ con tránh rất khéo léo. - Chúng ta đang ở đâu thế này hả cụ? - Tôi hỏi. - ở Paris con ạ. Có thể tưởng tượng được không? Thực tế thật xấu xa và khốn khổ! Đây là Paris mà tôi vẫn tha thiết mong được nhìn thấy? Hỡi ôi! Đúng đấy, đây là nơi tôi sẽ sống qua mùa đông, xa cụ Vitalis... và Capi. |
|